Monday , 11 November 2024

Sân bay Long Thành trông đợi vào ngân sách nhà nước

Trong tổng vốn hơn 5,6 tỷ USD cần để xây sân bay giai đoạn một, số tiền dự kiến huy động ngoài ngân sách chỉ đạt khoảng 2,9 tỷ USD.

Con số 2,9 tỷ USD nêu trên có thể được thu xếp thông qua hình thức phát hành cổ phần, liên doanh liên kết, hợp tác công tư (PPP)… Số còn lại mà Nhà nước phải chi vào khoảng 2,75 tỷ USD, dự kiến được lấy từ ngân sách, phát hành trái phiếu Chính phủ hoặc vay ODA.

Đây là cơ cấu vốn vừa được Bộ Giao thông gửi đến Hội đồng thẩm định Nhà nước dự án sân bay quốc tế Long Thành, để cơ quan này báo cáo Thủ tướng. Bản báo cáo này cũng được xem là kế hoạch cuối cùng dự kiến trình ra Quốc hội vào kỳ họp tháng 10 tới. Trước đó, Hội đồng thẩm định đã họp 3 lần và yêu cầu đại diện chủ đầu tư cập nhật bổ sung một số vấn đề cần làm rõ, đặc biệt là vốn và quy hoạch sân bay.

Mô hình dự án sân bay Long Thành
Mô hình dự án sân bay Long Thành

Báo cáo cập nhật này cho biết dự án được phân kỳ theo 3 giai đoạn. Ngoài giai đoạn đầu (1a) nói trên, đến năm 2025 giai đoạn 1b sẽ hoàn tất với việc sân bay này có thêm một đường hạ cất cánh, đạt công suất 25 triệu hành khách. Khái toán mức đầu tư tại thời điểm này dự kiến ngốn thêm 2,2 tỷ USD nữa.

Bộ Giao thông vận tải cho biết, vốn đầu tư thực hiện sẽ được gắn với các dự án đầu tư cụ thể, theo nguyên tắc Nhà nước chỉ đầu tư hoặc hỗ trợ đầu tư phần kết cấu hạ tầng không có khả năng thu hồi vốn; khuyến khích đầu tư vào các hạng mục thành phần dịch vụ khai thác, có khả năng thu hồi vốn đầu tư.

Trong đó, nguồn vốn ngân sách Nhà nước, trái phiếu Chính phủ, vốn ODA được dùng để đầu tư khu bay (đường hạ cất cánh, đường lăn, sân đỗ máy bay, đường trục vào sân bay); bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư; hệ thống cấp điện, cấp nước, thông tin liên lạc; trụ sở hải quan, công an, cảng vụ.

Nguồn vốn huy động ngoài ngân sách giành cho các hạng mục nhà ga hành khách, sân đậu ô tô, nhà ga hàng hóa, khu sửa chữa bảo trì máy bay, hệ thống cấp nhiên liệu bay, chế biến suất ăn và các công trình thương mại khác.

Theo chủ đầu tư dự án là Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), hiện nay đã có nhiều đối tác nước ngoài quan tâm tới dự án và sẵn sàng hợp tác đầu tư vào các hạng mục của dự án dưới nhiều hình thức khác nhau như PPP, BOT… như Tập đoàn ADPi của Pháp, Samsung, Incheon (Hàn Quốc), các tập đoàn của Nhật Bản.

Trước đó, trao đổi với VnExpress, Bộ trưởng Đinh La Thăng từng nói rằng số vốn đối ứng mà chủ đầu tư dự kiến bỏ ra phải chiếm 20%, tương đương khoảng 1,4 tỷ USD. Phần lớn số tiền này sẽ được huy động thông qua bán bớt cổ phần khi cổ phần hóa tới đây.

Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành được triển khai xây dựng tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai với diện tích đất thu hồi lên đến 5.000ha.

Nếu được thông qua chủ trương đầu tư tại kỳ họp Quốc hội tới đây, giai đoạn 1a sẽ được khởi công vào năm 2016, đưa vào khai thác vào năm 2023. Dự kiến sau khi hoàn thành giai đoạn 1b vào 2 năm sau đó sân bay này sẽ đạt công suất mỗi năm 25 triệu khách. Giai đoạn 2 theo kế hoạch sẽ hoàn thành vào 10 năm tiếp theo, nâng công suất lên gấp đôi. Trong khi theo thiết kế, công suất tối đa sau khi hoàn tất của sân bay này đạt 80-100 triệu khách mỗi năm, vào sau năm 2050.

Chí Hiếu

Call Now