Chỉ bán 2 loại đồ uống là nước ô mai và trà bát bảo nhưng quán nước bà Bu đã gắn bó với tuổi thơ của nhiều thế hệ người dân Nam Định.
Nằm ở vỉa hè sau quảng trường Hòa Bình, cạnh trường tiểu học Lê Quý Đôn (TP Nam Định), quán nước bà Bu lúc nào cũng đông khách và được người địa phương gọi với cái tên thân thương: Quán nước ô mai tuổi thơ.
Quán được mở từ năm 1988, chỉ bán 2 món đồ uống “độc quyền” là nước ô mai và trà bát bảo. Trong đó nước ô mai được yêu thích hơn cả.
Chị Nguyễn Thu Phương, thế hệ thứ 3 tiếp quản việc kinh doanh của gia đình cho biết, người làm ra nước ô mai và bán đầu tiên là bác chị – bà Nguyễn Thị Chắt (thường gọi là bà Quy, bà Bu).
Sau đó, bác vào Nam sinh sống, truyền lại cho mẹ chị rồi đến chị đã tiếp quản được vài năm nay. Vì thế, quán vẫn quen được gọi là “ô mai bà Bu”.
Công thức nước ô mai là do một người Hoa làm cùng nhà máy dệt với bà Bu chỉ cho. Đến bây giờ, hương vị đó vẫn như ban đầu và chẳng thể tìm thấy ở nơi nào khác.
Món đồ uống này có vị chua chua, ngọt ngọt lạ miệng, uống cùng đá mới ngon nên phù hợp cho những ngày hè nóng bức hoặc sau khi làm việc vất vả, chơi thể thao đổ mồ hôi nhiều.
Chị Phương chia sẻ, trước đây khi quảng trường Hòa Bình còn là sân đá bóng, khách chủ yếu là học sinh và những người chơi bóng.
Hiện không còn sân bóng nhưng lượng khách đến quán không hề giảm đi. Cứ khoảng sau 16h khi học sinh tan học, quán rất đông nên phải có 2 người bán.
Khách uống nước ô mai nhiều nên mỗi năm vào mùa mận, gia đình chị phải mua vài tấn mận tươi, có năm mận rẻ thì mua cả 5-7 tấn về để làm thành ô mai, dành nấu nước bán cả năm.
Công đoạn làm ô mai mất rất nhiều thời gian vì phải làm thật khô, để lâu mới không bị mốc.
Trà bát bảo của quán uống cũng rất mát. Trà được nấu từ 8 vị thuốc bắc và đường mía thô nên có tác dụng giải nhiệt tốt. Cả 2 loại đồ uống của quán vẫn do mẹ chị Phương nấu và được bán hết luôn trong ngày.
Một cốc nước ở đây có giá 4.000 đồng. Cốc mang về to gấp đôi có giá 7.000 đồng, chai 500ml giá 12.000 đồng, chai 1,5l giá 35.000 đồng và bảo quản tủ lạnh được 5 ngày.
Ngoài ra, quán cũng bán kèm một số đồ ăn vặt như cóc, xoài, bánh quẩy tẩm đường,… Những món này đều có giá rất rẻ.
Cũng bởi thức uống có vị khác biệt, giá cả lại hợp túi tiền nên quán bà Bu đã trở thành nơi tụ tập của rất đông học sinh, sinh viên từ thế hệ này qua thế hệ khác.
Nước ô mai cũng đã trở thành hương vị tuổi thơ gắn liền với ký ức, kỷ niệm của nhiều người Nam Định.
Trần Quỳnh Trang (TP Nam Định) chia sẻ: “Bây giờ không thiếu gì đồ uống ngon nhưng em chỉ thích nước ô mai bà Bu. Sau khi tan học, em và các bạn thường đến quán ngồi ngắm đường phố, uống nước ô mai ăn quẩy đường, coi như thư giãn sau buổi học”.
Chị Phương chia sẻ, bán hàng ngoài vỉa hè rất vất vả, nắng mưa bào mòn sức khoẻ. Quán đông khách nhưng giá món nào cũng chỉ vài nghìn đồng nên lãi ít.
Thế nhưng, chị lại cảm thấy rất hài lòng từ khi chuyển từ công việc bán quần áo, giày dép sang bán nước vỉa hè.
“Cái được lớn nhất là hàng ngày được tiếp xúc các bạn trẻ, được khách nhắc lại những kỉ niệm với quán nên mình cũng thấy trẻ trung, yêu đời hơn. Có nhiều khách đi làm ăn xa về dắt theo con, cháu đến uống nước ô mai và ôn lại kỉ niệm xưa”.
Khách quen ai cũng nói, chỉ khi ngồi tại đây, trên những chiếc ghế nhựa sát vỉa hè, nghe tiếng xe cộ qua lại, mới cảm nhận trọn vẹn vị ngon của ly nước.
Cũng chính vì thế, chị và mẹ vẫn quyết định giữ quán ở góc vỉa hè này dù có thể mở thành cửa hàng khang trang hơn.
“Thuê một cửa hàng khang trang không khó nhưng tôi nghĩ người ta đến quán bà Bu vì cả những kỉ niệm với góc phố này. Vì thế, mẹ tôi và tôi muốn giữ nguyên những gì bình dị nhất, từ đồ uống cho đến chỗ ngồi”.