Saturday , 14 December 2024

Hàng không Trung Quốc “cất cánh” nhờ “chia 5 sẻ 7”

Sau khi tách Cục Hàng không Dân dụng  (CAAC) ra làm nhiều đơn vị nhỏ, ngành hàng không Trung Quốc đã có những bước tiến vượt bậc.

Trên thế giới, Trung Quốc là ví dụ điển hình cho việc chia tách hãng hàng không quốc gia và thành công. Trước đây, hoạt động hàng không của Trung Quốc do Cục hàng không Dân dụng Trung Quốc (CAAC) quản lý. Được thành lập vào ngày 2/11/1949 (ngay sau khi nước CHND Trung Hoa ra đời), CAAC quản lý tất cả các hoạt động hàng không phi quân sự trong nước cũng như cung cấp các dịch vụ bay thương mại và dịch vụ bay nói chung. CAAC đã trải qua 3 gia đoạn phát triển trong lịch sử.

Hãng Air China, một trong những hãng hàng không được tác ra từ CAAC
Hãng Air China, một trong những hãng hàng không được tác ra từ CAAC

1. Giai đoạn đầu (từ 1949-1978)

CAAC kiểm soát toàn bộ ngành công nghiệp vận tải hàng không của Trung Quốc. Họ vận hành theo một hệ thống 4 cấp độ gồm “CAAC, 6 văn phòng hàng không dân dụng cấp khu vực, 23 văn phòng hàng không dân dụng cấp tỉnh và 78 nhà ga hàng không dân dụng”.

Trong giai đoạn này, CAAC có chức năng điều hành hàng không dân dụng cũng như quản lý các dịch vụ vận tải hàng không, gồm: các hoạt động bay, quản lý sân bay, kiểm soát và điều hướng không lưu. CAAC quy định mọi mặt của ngành công nghiệp hàng không Trung Quốc bấy giờ từ thâm nhập thị trường, nhập cảnh, tuyến đường, giá vé, tần suất… Do nền kinh tế và chính trị của Trung Quốc giai đoạn này, CAAC chỉ cung cấp một cách giới hạn các điểm đến nước ngoài.

Ngành công nghiệp vận tải hàng không của Trung Quốc bấy giờ phát triển trì trệ. Trong năm 1978, CAAC chỉ vận chuyển được 2,31 triệu hành khách.

2. Giai đoạn hai (1978-1987)

Vào những năm 1980, chức năng điều chỉnh và điều hành của CAAC đã bị tách ra do những cải cách hàng không.

CAAC là cơ quan quản lý chính ở Trung Quốc về an toàn hàng không. Họ quản lý các hệ thống kiểm soát không lưu quốc gia, bên cạnh đó, kiểm tra tình trạng tài chính phù hợp và năng lực an toàn của các hãng hàng không mới.

Ở giai đoạn sau CAAC thực hiện các cải cách quy định.

Năm 1979, CAAC chia thành 6 cục hàng không dân dụng.

Từ năm 1981, Trung Quốc phê duyệt chính sách “tự chịu trách nhiệm về thiệt hại và được giữ lại lợi nhuận”. Cuối cùng, chính sách này được sửa đổi thành chia thu nhập hàng không theo tỉ lệ “1-9” giữa nhà nước và CAAC. Vào năm 1982, khi cải cách chính sách có hiệu lực, CAAC mở thêm 23 cục hàng không dân dụng địa phương. Hơn nữa, CAAC thực hiện “hệ thống giữ lại lợi nhuận” cho 6 cục hàng không dân dụng khu vực và ủy quyền cho họ độc lập hơn trong việc đưa ra các quyết định hành chính.

Ở giai đoạn này, CAAC vẫn phụ trách các vấn đề kiểm soát không lưu, điều hành các chuyến bay, sân bay và Dịch vụ Hàng không Quốc gia.

3. Giai đoạn 3 (1987-2002)

Vào tháng 1/1987, kể từ khi chính phủ công bố “Báo cáo về các biện pháp cải cách hàng không dân dụng và việc thực hiện”, CAAC bước vào giai đoạn cải cách cơ cấu thứ 3. Mục đích chính là để tách vai trò quản lý và điều hành của CAAC cũng như chấm dứt sự độc quyền của cơ quan này. 4 chính sách sáng kiến gồm:

– Đơn giản hóa hệ thống hành chính từ 4 cấp biến thành 2 cấp. Chỉ còn CAAC và các cục hàng không dân dụng khu vực.

– Thành lập 6 hãng hàng không độc lập, thuộc nhà nước theo khu vực

– Tách riêng hoạt động sân bay khỏi hoạt động hàng không

– Khuyến khích thâm nhập thị trường

Như hệ quả của chính sách cải cách những năm cuối thập niên 1980, các hãng hàng không không phải của CAAC được đẩy mạnh, bắt đầu cung cấp các tuyến bay nội địa trong năm 1986. Do đó, từ năm 1987-1991, 6 hãng hàng không chính được phát triển từ 6 cục hàng không khu vực cũ của CAAC là:

– Air China (thừa hưởng mã IATA và ICAO của CAAC)

– China Southwest Airlines (sáp nhập với Air China vào năm 2002, ban đầu có trụ sở tại Thành Đô)

– China Eastern Airlines (có trụ sở tại Thượng Hải)

– China Northwest Airlines (sáp nhập với China Eastern vào năm 2002, trụ sở ban đầu ở Tây An)

– China Southern Airlines (trụ sở tại Quảng Châu)

– China Northern Airlines (sáp nhập với China Southern vào năm 2003, trụ sở ban đầu ở Thẩm Dương).

Như một hiệu ứng của việc tự do hóa thị trường, với mục đích phát triển kinh tế địa phương, các hãng hàng không liên tỉnh đã thâm nhập vào thị trường. Hầu hết trong số này do các doanh nghiệp của tỉnh, khu vực và các quốc gia trong khu vực phát triển.

Các hãng hàng không này hoàn toàn độc lập về hoạt động và tài chính. Sự độc quyền của CAAC trong việc cung cấp các dịch vụ bay không còn tồn tại nữa.

Sau khi chia tách, CAAC vẫn giữ vai trò điều tiết đối với hoạt động hàng không.

Ngành công nghiệp hàng không chở khách của Trung Quốc hiện nay chủ yếu do 3 hãng hàng không nhà nước đảm nhiệm: Air China, China Southern Airlines và China Eastern Airlines. 3 hãng hàng không này bị hạn chế từ các hãng hàng không tư nhân trong thị trường hành khách thương mại như hãng Spring Airlines nhưng các hãng hàng không nhà nước vẫn có đủ khả năng tài chính và chính trị từ chính phủ để dẫn đầu thị trường.

Năm 2004, doanh thu vận tải hàng không của Trung Quốc đạt 7,18 tỷ tấn-km, doanh thu hành khách là 178,2 tỷ người-km, và khối lượng hàng hóa lưu thông là 2.767 triệu tấn. Trung Quốc đã có tổng cộng 1.279 tuyến đường bay dân sự, 1.035 trong số các tuyến đường bay nội địa là đi tới những thành phố cỡ lớn và cỡ vừa, 244 trong số các đường bay quốc tế kết nối Trung Quốc tới hơn 70 thành phố trên thế giới.

Vào tháng 3/2008, CAAC được chuyển về trực thuộc Bộ Giao thông vận tải. Tên chính thức tiếng Trung của CAAC được điều chỉnh để cho thấy nó không còn là một cơ quan ngang Bộ. Tên tiếng Anh vẫn là Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc.

Kể từ sau khi cải cách, ngành hàng không Trung Quốc đã có những bước tiến vượt bậc. Sự tăng trưởng nhanh chóng trong vận tải hàng không đặt áp lực lên cơ sở hạ tầng của sân bay. Theo đó, số lượng sân bay được xây mới, nâng cấp hoặc mở rộng trên cả nước đã tăng lên. Từ năm 1986-1992, 70% chi phí xây dựng đều dành cho các sân bay.

Khi sự độc quyền của CAAC không còn nữa, cơ cấu thị trường ngành công nghiệp hàng không ở Trung Quốc trở nên phong phú hơn. Việc vận tải hàng không được chia cho 4 nhóm:

– 6 hãng hàng không bắt nguồn từ CAAC

– Những hãng thuộc sở hữu chung của CAAC và cính quyền địa phương như: Zheijang Airlines, Xiamen Airlines

– Những hãng thuộc sở hữu của chính quyền địa phương: Shanghai Airlines, Sichuan Airlines, Guizhou Airlines, Zhongyuan Airlines, Fujian Airlines và New China Airlines

– Những hãng do các ngân hàng, quỹ tín thác đầu tư, các doanh nghiệp lớn của nhà nước và các nhà đầu tư nước ngoài lập ra như: Hainan Airlines và Shenzhen Airlines

Sau đó, ngành hàng không Trung Quốc còn tiếp tục trải qua nhiều lần sáp nhập, phân tách để thích nghi với sự thay đổi của thị trường. Thông qua hàng loạt cải cách trong quá khứ, ngành hàng không Trung Quốc đã chuyển từ truyền thống sang cạnh tranh tự do. Và chính sách hàng không này đã thúc đẩy du lịch, phát triển kinh tế.

Call Now