Wednesday , 4 December 2024

Cục trưởng Hàng Không: ‘Cả 3 hệ thống lưu điện đài không lưu đều hỏng’

Bình thường nguồn điện cấp vào mạng lưới điều hành bay Tân Sơn Nhất đều thông qua 3 hệ thống lưu điện (UPS), khi mất một hệ thống thì hai nguồn khác sẽ hỗ trợ. Tuy nhiên, trưa 20/11, một UPS hỏng, sau đó đã lây sang cả ba.

Trao đổi với báo chí chiều 21/11, ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Hàng không cho biết, lúc 11h5 ngày 20/11, Trung tâm kiểm soát đường dài Hồ Chí Minh và tiếp cận Tân Sơn Nhất (ACC HCM) bị gián đoạn hệ thống cấp điện cho thiết bị điều hành bay trong khi điện lưới vẫn có, dẫn đến mất năng lực điều hành bay trong 35 phút.

Ông Thanh thông tin, bình thường nguồn điện cấp vào mạng lưới điều hành đều thông qua 3 hệ thống lưu điện. Khi mất một hệ thống thì hai nguồn khác sẽ hỗ trợ. Tuy nhiên, trưa 20/11, một hệ thống lưu điện UPS bị hỏng, sau đó đã lây sang cả 3 hệ thống UPS khiến tê liệt toàn bộ mạng lưới điều hành không lưu.

“Đây là sự cố kỹ thuật nghiêm trọng, lần đầu tiên xảy ra tại Việt Nam. Chúng tôi đã có 3 UPS, 3 máy nổ để dự phòng mất điện lưới song vẫn bị mất điện. Sự cố này là cảnh tỉnh rất lớn”, ông Thanh nói.

xuanthanh-1586-1416578238

Cục trưởng Hàng không Lại Xuân Thanh. Ảnh: Đoàn Loan

Lãnh đạo Cục Hàng không cho biết, sự cố gây tình huống nghiêm trọng bởi khi đó có 54 máy bay đang hoạt động trong vùng trời TP HCM, trong đó 8 máy bay đã nằm trong vùng chuẩn bị hạ cánh. Ngoài ra, trong thời gian mất điện đã có 92 máy bay bay vào vùng trời. Trong khi đó, Tân Sơn Nhất không có khả năng tiếp nhận máy bay, ảnh hưởng các chuyến bay chuẩn bị cất cánh đến TP HCM.

Khi xảy ra sự cố, ACC HCM đã thực hiện phương án ứng phó không lưu, thiết lập cấp điện trực tiếp từ nguồn máy nổ không qua hệ thống UPS để khôi phục nguồn điện, dùng tín hiệu radar của Đài chỉ huy Tân Sơn Nhất để điều hành 8 chuyến bay hạ cánh an toàn tại sân bay Tân Sơn Nhất. Cùng với đó, Trung tâm liên hệ với các vùng thông báo bay (vùng FIR) lân cận để hạn chế các chuyến bay có kế hoạch bay vào vùng trời TP HCM. Trong quá trình xử lý đã không xảy ra uy hiếp an toàn bay. Đây là nỗ lực lớn của ACC HCM trong thực hiện phương án ứng phó không lưu.

Cục Hàng không cho biết đang điều tra các yếu tố kỹ thuật liên quan đến sự cố với sự tham gia của các chuyên gia chuyên môn sâu. Trước mắt, cơ quan này đã đình chỉ nhân viên điều hành cấp điện, kíp trưởng của kíp trực cấp điện tại ACC HCM ngày 20/11 để phục vụ công tác điều tra.

Cơ quan này cũng kiểm tra thiết kế hệ thống cấp điện và điện dự phòng, công tác bảo dưỡng, bảo hành, quy trình vận hành của hệ thống cấp điện, xem xét có lỗi gì trong việc vận hành hay không. “Chúng ta không thể lường trước các sự cố, quan trọng là ứng phó như thế nào. Hiện nay nhìn chung ngành hàng không vẫn kiểm soát công tác an toàn”, Cục trưởng Lại Xuân Thanh khẳng định.

Ngoài ra, Cục Hàng không sẽ xây dựng ACC Hà Nội với mục tiêu đảm bảo hỗ trợ điều hành 2 vùng FIR Hà Nội và Hồ Chí Minh. Ngày 20/11, ACC Hà Nội đã hỗ trợ ứng phó không lưu cho ACC HCM điều hành hai vùng FIR với bề rộng 1,2 triệu km2.

Đề cập việc bồi thường cho các hãng hàng không và hành khách bị thiệt hại ngày 20/11, ông Lại Xuân Thanh cho biết trong những sự cố bất khả kháng như thế này, hàng không thế giới không đặt ra vấn đề bồi thường của cơ quan quản lý bay. Tuy nhiên, nếu do có người cố ý phá hoại thì là vấn đề khác. Còn với hành khách bị thiệt hại do chậm hủy chuyến thì các hãng hàng không sẽ hỗ trợ theo đúng quy định hàng không.

Trưa 20/11, nhiều chuyến bay từ quốc tế và trong nước đến sân bay Tân Sơn Nhất, TP HCM đều không hạ cánh được vì thiếu thông tin dẫn đường tiếp cận vùng trời. Theo đó, tất cả chuyến bay từ các sân bay đến Tân Sơn Nhất đều được thông báo bay vòng hạ cánh tại sân bay khác hoặc quay đầu cho đến khi có thông báo tiếp theo. Các máy bay chuẩn bị khởi hành tại Tân Sơn Nhất cũng bị lùi thời điểm cất cánh. Nguyên nhân là mất điện tại ACC HCM diễn ra lúc 11h5 trưa 20/11. Đến 12h40 cùng ngày, hệ thống kỹ thuật hoạt động ổn định và công tác điều hành bay đã trở lại bình thường.

Hiện Cục chưa thống kê được thiệt hại.

Call Now