Với hai thảm họa của hãng Malaysia Airlines hồi tháng 3 và tháng 7, khiến 298 người thiệt mạng và 239 người mất tích, cùng vụ rơi máy bay AirAsia ngày 28/12, năm 2014 có thể được cho là một trong những năm tồi tệ nhất trong lịch sử hàng không dân dụng.
Các tai nạn hàng không trong năm nay đã lấy đi 1.158 mạng người. Chuyến bay AirAsia chở 162 người, nếu tất cả đều thiệt mạng, năm 2014 sẽ là năm có nhiều người chết nhất vì tai nạn hàng không nhất kể từ năm 2005 với 1.320 người.
Số liệu này được cung cấp bởi Cục Dữ liệu Hàng không (BAAA), tổng hợp từ các tai nạn máy bay có sức chứa ít nhất 6 hành khách, ngoài thành viên tổ bay. BAAA tổng kết “tất cả trường hợp máy bay bị hư hại đến mức không thể tiếp tục sử dụng”.
“Cứ 10 năm một lần hoặc lâu hơn, chúng ta lại có một năm kém an toàn hơn so với những năm khác. Thật không may, năm 2014 lại rơi đúng vào trường hợp đó”, Ronan Hubert, một người làm việc tại BAAA cho biết.
Năm ngoái có 265 người thiệt mạng trong các vụ tai nạn máy bay, đánh dấu năm an toàn nhất trong ngành hàng không kể từ năm 1945, Mạng lưới An toàn Hàng không cho biết.
Số người thiệt mạng do tai nạn hàng không theo từng năm. Đồ họa: CNN |
Năm kinh hoàng của châu Á
Châu Á phải chịu đựng một năm đặc biệt thảm khốc. Trước năm 2014, Malaysia Airlines có một hồ sơ an toàn tuyệt vời cho đến khi máy bay MH370 của hãng hồi tháng 3 biến mất trên đường từ Kuala Lumpur đến Bắc Kinh với 239 người. Các quan chức tin rằng chiếc máy bay đang ở một nơi nào đó tại Ấn Độ Dương. Tuy nhiên, 9 tháng sau, MH370 vẫn chưa được tìm thấy.
Máy bay MH17 cũng của hãng Malaysia Airlines hồi tháng 7 rơi tại miền đông Ukraine, khiến 298 người thiệt mạng. Có ý kiến cho rằng chiếc phi cơ bị một tên lửa bắn rơi nhưng đến nay thông tin này vẫn chưa được xác nhận.
Máy bay QZ8501 của hãng AirAsia chở 162 người hôm 28/12 mất liên lạc với kiểm soát không lưu khi trên đường bay từ Indonesia tới Singapore. Sau nhiều nỗ lực tìm kiếm, hải quân Indonesia ngày 30/12 phát hiện mảnh vỡ máy bay cùng thi thể các nạn nhân gần Pangkalan Bun, tỉnh Trung Kalimanta, Indonesia.
“Tôi không thể thấy bất kỳ điểm tương đồng nào”, John Cox, một chuyên gia an toàn hàng không, cựu cơ trưởng của US Airways cho biết điều kiện của ba tai nạn là hoàn toàn khác nhau, rơi vào các công ty có hồ sơ an toàn tốt.
“Vận đen đến mức khó tin đã gõ cửa họ”, ông nói.
Còn nhiều tai nạn bi thảm khác như máy bay của hãng TransAsia Airways rơi xuống tây Đài Loan trong điều kiện thời tiết xấu, khiến 48 người thiệt mạng. 39 người hồi tháng 8 qua đời sau khi chiếc máy bay của hãng Sepahan Airlines, Iran rơi gần Tehran. Một vụ tai nạn lớn khác ở ngoài châu Á là máy bay Air Algerie hồi tháng 7 rơi tại Mali, giết chết tất cả 116 người trên phi cơ.
“2014 chắc chắn là một năm khó khăn đối với các hãng hàng không”, Mark D. Martin, Giám đốc điều hành của Martin Consulting LLC tại Dubai cho biết. “Sự cố ảnh hưởng đến an toàn của máy bay có thể xảy ra ở mọi nơi, vào bất cứ thời điểm nào.Vì lý do này, ngành công nghiệp hàng không mỗi năm chi gần 6 tỷ USD để đảm bảo các biện pháp đề phòng được thực hiện và các chuyến bay sẽ an toàn hơn”.
“Vẫn an toàn”
Khi các tai nạn hàng không xảy ra, nó trở thành tin tức lớn. Tuy nhiên, nhìn chung, có ít người thiệt mạng trong tai nạn máy bay hơn là xe cộ. Tổ chức Y tế Thế giới năm ngoái cho biết khoảng 1,24 triệu người thiệt mạng mỗi năm trên các tuyến đường của thế giới. Trong khi đó, năm đẫm máu nhất trong ngành hàng không là năm 1972 với 3.346 người thiệt mạng, BAAA cho biết.
Công nghệ ngày càng hiện đại và các hãng hàng không, công ty bảo hiểm cùng các nhà quản lý đã nỗ lực tăng mức độ an toàn và giảm thiểu tối đa rủi ro, ông Hubert nói.
“Tai nạn không phải lúc nào tránh được”, ông nói, nhưng “với mỗi vụ tai nạn, chúng tôi lại học được điều mới và cải thiện được độ an toàn”.
Theo Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế, số lượng các chuyến bay thương mại trong những năm gần đây đã tăng lên tới 30 triệu vào năm 2011. Mặc dù số người thiệt mạng trong năm nay cao hơn các năm khác, “đó là một tỷ lệ tương đối thấp khi so sánh nó với con số khổng lồ những người sử dụng máy bay hiện nay”, ông Goelz nói.
Ông Goelz nhận định rằng sự gia tăng tai nạn chết người tại châu Á trong năm nay dường như không làm giảm sự tăng trưởng của các hãng hàng không giá rẻ trong khu vực Đông Nam Á.
“Chúng tôi tin rằng, vào năm 2015, áp lực từ các công ty bảo hiểm, công ty cho thuê, cơ quan kiểm soát an toàn và du khách lên các hãng hàng không sẽ gia tăng”, ông Martin nói, “vẫn còn nhiều câu hỏi cần trả lời và lòng tin cần gây dựng”.