Trang Reader’s Digest đã phỏng vấn hàng trăm phi công tại Mỹ để nói về nghề nghiệp thú vị này. Dưới đây là những lời tâm sự chân thành và hài hước nhất của họ.
1. Phi công bị sét đánh là chuyện thường
Một phi công của hãng máy bay tại thành phố Charlotte, North Carolina cho biết: “Hầu như phi công nào cũng gặp trường hợp này trong sự nghiệp của mình. Tuy vậy máy bay được chế tạo để chịu được việc bị sét đánh, nên bạn sẽ chỉ nghe thấy một tiếng nổ to, một tia sét lóe lên và chấm hết. Máy bay không rơi vì sự cố này đâu”.
2. Sự thật về nghề phi công
“Tôi không rảnh rỗi, không nhiều tiền như hàng xóm vẫn nghĩ và chẳng có nhiều cô gái đẹp vây quanh như vợ tôi nghĩ”, một phi công thương mại ở Charlotte, North Carolina hài hước nói.
“Nhiều người phải bỏ ra 250.000 USD để học thành phi công, và năm đầu tiên hành nghề, họ thậm chí còn được nhận tem lương thực – cơ phó của một hãng bay ở Texas cho biết (Tem lương thực là trợ cấp của chính phủ dành cho người có thu nhập thấp).
3. Không có vị trí nào nào là an toàn tuyệt đối
“Có tai nạn những người ngồi sau đều thiệt mạng, nhưng trong trường hợp khác lại rơi vào toàn người ngồi trước”, theo John Nance – chuyên gia phân tích an toàn bay và là cựu phi công ở Seatle.
4. Nhiều người thắc mắc tại sao phải tắt điện thoại
Lý do là: “ví dụ có 12 người cùng gọi điện thoại khi máy bay chuẩn bị hạ cánh, điều này có thể khiến thiết bị đọc độ cao của máy bay sai lệch làm chúng tôi tưởng mình đang ở độ cao cao hơn thực tế”, Jim Tilmon – cựu phi công hãng American Airlines tiết lộ.
Còn Packtrick Smith nhấn mạnh: “Không phải chúng tôi cấm các bạn dùng laptop vì lo ngại nhiễu sóng điện tử, mà laptop có thể trở thành những viên đạn bay với tốc độ 322km/h. Chúng tôi cũng không muốn bạn mất vui khi bắt bạn tháo tai nghe. Nhưng chúng tôi muốn đảm bảo bạn nghe được đầy đủ thông tin khẩn cấp nếu có sự cố”.
5. “Nói thật là chúng tôi cũng đuối lắm rồi”.
“Chúng tôi phải làm việc liên tục 16 tiếng, còn nhiều hơn tài xế xe tải. Tài xế xe tải còn khỏe hơn vì họ có thể dừng lại đâu đó để nghỉ, chúng tôi đâu có thể tấp vào một đám mây”, cơ trưởng của một hãng bay lớn từ chối tiết lộ tên cho biết.
6. Ý nghĩa của việc đặt thông báo cài dây an toàn
“Việc bật đèn báo hiệu cài dây an toàn chỉ là một trong các thủ tục trong quy trình an toàn bay. Nhưng nếu chúng tôi yêu cầu ngay cả các tiếp viên cũng ngồi xuống và thắt dây an toàn, tốt nhất bạn nên làm theo và chú ý lắng nghe hướng dẫn. Điều đó có nghĩa là phía trước sẽ có một vài bất ổn”, John Greaves – một phi công có thâm niên gợi ý.
7. Cách đáp máy bay là thước đo tay nghề của phi công
“Nếu muốn khen chúng tôi, bạn hãy nói: Hạ cánh đẹp lắm“, Joe D’ Eon, một phi công nổi tiếng thế giới cho biết.
8. Cho trẻ con nằm trên đùi khi bay có an toàn không?
Câu trả lời là không! Việc này được các phi công nhận định là vô cùng nguy hiểm nếu có tác động hay máy bay đột ngột giảm tốc độ thì em bé có thể bị hất văng ra xa với vận tốc của một viên đạn.
9. Hành khách vui lòng nên chú ý tới bản thân và người xung quanh
“Một nửa hành khách thường có thói quen tháo dây an toàn khi đang bay trên trời. Nhưng các bạn nên nhớ khi máy bay đang đi với vận tốc 804km/h và rơi vào vùng có áp suất thấp thì khả năng các bạn bay lên trần máy bay là rất cao. Vì vậy, làm ơn hãy thắt dây an toàn trong suốt hành trình”, một cơ trưởng người Mỹ đưa ra lời khuyên.
“Nếu bạn muốn ngả ghế, làm ơn hãy chú ý đến người ngồi sau. Bạn có biết bao nhiêu cái laptop bị gãy mỗi năm nhờ công của những vị khách ngửa ghế bất ngờ mà không ngó ngàng đến ai không”, John Nance hài hước chỉ trích.
10. Chúng tôi không đội mũ phi công trong buồng lái
“Chúng tôi không nhịn được cười mỗi khi nhìn thấy hình ảnh phi công đội mũ trong buồng lái trên các bộ phim”, Joe D’ Eon cho biết.
11. Mọi thứ chúng tôi yêu cầu đều là để tốt cho hành khách
“Chúng tôi muốn bạn kéo tấm che cửa sổ lên là để tiếp viên có thể thấy cảnh bên ngoài trong tình trạng khẩn cấp, xem bên nào thuận tiện cho việc sơ tán hơn. Nó cũng giúp ánh sáng lọt vào khoang giúp hành khách định hướng nếu máy bay nhào lộn”, tiết lộ từ Patrick Smith.
12. Nhiều người thường hiểu sai về công việc của phi công
“Chúng tôi không ngồi trong buồng lái để nghe tin về một trận bóng bầu dục. Nhưng nhiều hành khách thường yêu cầu tiếp viên hỏi tôi về việc đội Steelers ghi được mấy bàn rồi”, một phi công từ Charlotte, North Carolina cho hay.
“Nhiều người cứ nghĩ: ôi dào, bây giờ máy bay toàn cài chế độ lái tự động hết rồi, phi công có phải làm gì đâu. Không phải thế đâu. Đúng là lâu lâu nó có thể tự lái nhưng bạn vẫn phải tự tay điều khiển, nếu không thì nó sẽ gây họa mất”, một phi công đến từ một hãng lớn ở Mỹ khẳng định.
13. Lời khuyên của phi công
Tôi luôn bảo con mình đi giày nếu không khả năng rơi dép và phải đi chân không trong lúc sơ tán là rất cao”, theo trải nghiệm từ Joe D’Eon.
“Nếu thấy lạnh, bạn phải báo tiếp viên ngay. Phi công và tiếp viên thường bất đồng quan điểm về nhiệt độ. Với các tiếp viên, họ phải đi lại suốt nên cảm thấy nóng và muốn tăng độ lạnh, trong khi hành khách thì run cầm cập”, cơ trưởng của một hãng bay cho hay.